Rệp sáp là một trong những đối tượng gây hại đáng chú ý ở thời điểm hiện tại. Chúng gây hại không chỉ thân, cành,.. mà còn ở hoa, trái non của một số cây trồng. Bên cạnh đó, vị trí trú ẩn để gây hại của loài này thường ở những vị trí khó thấm thuốc nên khó khăn trong việc phòng trừ.
1. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI VÀ SINH HỌC CỦA RỆP SÁP
Tên khoa học: Planococcus citri (Risso).
Họ: Pseudococcidae, bộ: Homoptera.
- Thành trùng cái có hình thoi, cơ thể dài từ 1 – 2mm, màu vàng hơi nâu và có phủ lớp sáp trên lưng, hai bên hông cơ thể của thành trùng có 18 đôi tua và một đôi tua dài phía sau đuôi, không có cánh, khả năng di chuyển thành trùng cái khá chậm.
- Thành trùng đực màu đỏ tươi, có cánh và râu đầu dài, chúng có thể bay đến cây ký chủ mới để giao phối. Thành trùng có thể sống đến 29 ngày (tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết và loại cây ký chủ).
- Ấu trùng rệp sáp có màu vàng chanh, hình dạng cơ thể giống với thành trùng cái, chiều dài cơ thể khoảng 0,5mm, nhìn rõ 3 đôi chân trước, không có lớp sáp trên lưng và tua xung quanh.
- Trứng màu vàng nhạt, hình bầu dục, dài khoảng 0,1 mm, nằm trong túi trứng màu trắng như bông gòn do rệp cái tạo ra. Trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá dọc theo gân chính, gần cuống trái hoặc phần tiếp giáp giữa trái với trái, lá với trái. Một con cái đẻ trung bình một ngày 29 trứng, có thể đẻ từ 300 – 600 trứng trong vòng một vòng đời. Trứng nở sau 6 đến 10 ngày hoặc vài tuần tùy theo điều kiện thời tiết ( Theo “Kerns et al. 2001, Meyers 1932”).
2. ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI CỦA RỆP SÁP
– Rệp sáp thường ẩn nấp ở những khe hở nên các ổ trứng nhỏ ban đầu khó phát hiện. Chúng gây hại cả giai đoạn ấu trùng và thành trùng, chúng chích hút phần non của cây (lá non, trái non, đọt non), đôi lúc cũng bắt gặp chúng trên trái già tại phần tiếp xúc giữa lá với trái hoặc giữa các trái với nhau.
3. ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN VÀ LÂY LAN
– Rệp sáp có thể gây hại quanh năm, chúng phát triển mạnh vào mùa xuân và đầu mùa hè. Trong điều kiện mưa nhiều và oi bức vào giữa mùa hè, mật số rệp sáp giảm đáng kể.
– Rệp sáp phát tán và lây lan thông qua khả năng di chuyển chậm của con cái (khoảng cách không xa) và khả năng bay của con đực. Ngoài ra, rệp sáp cũng có thể di chuyển thông qua các loài côn trùng khác đặc biệt là sự cộng sinh với kiến (kiến đen và kiến vàng).
4. TÁC HẠI CỦA RỆP SÁP
– Rệp sáp tấn công hầu hết các bộ phận của cây (rễ, lá, cành, bông, trái) nhưng gây hại rõ nhất và nặng nhất khi cây có bông và trái non.
– Trên hoa, chúng tấn công ở cuống hoa làm teo tóp cuống, làm hỏng hạt phấn, khiến hoa héo khô và rụng.
– Trên trái làm teo cuống trái, trái méo mó, hỏng gai, chậm phát triển.
– Khi trái lớn rệp sáp cùng nấm bồ hóng bám đầy trên trái làm trái bị đen, đốm, mất thẩm mỹ.
– Rệp sáp còn là vector truyền bệnh sưng chồi.
Ngoài ra, rệp sáp còn phá hại dưới rễ, chích hút làm phù rễ, đứt mạch dẫn, tạo điều kiện cho nấm khuẩn xâm nhập vào gây bệnh thối rễ, xì mủ.
5. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
– Phun nước với áp lực cao cũng có thể giết chết rệp sáp, tuy nhiên biện pháp này không khả quan do hiệu quả kinh tế và kỹ thuật không cao, không phù hợp đối với những vườn có diện tích lớn.
– Để phòng trị rệp các bạn nên áp dụng kết hợp nhiều biện pháp, sau đây là một số biện pháp chính:
+ Cải tạo đất, xới cày ải, phơi khô để những mầm bệnh bị tiêu diệt hoàn toàn.
+ Thu gom, tiêu hủy cành cây, lá bị bệnh trước khi trồng cây mới.
+ Sử dụng thiên địch như ong, kiến vàng, bọ rùa để xử lý rệp.
+ Thường xuyên dọn dẹp, tỉa vườn thông thoáng để cây phát triển trong điều kiện tốt nhất.
+ Trồng với khoảng cách hợp lý, không nên trồng quá dầy, để vườn luôn được thông thoáng. Không trồng xen kẽ với cây dễ bị rệp sáp tấn công.
+ Thường xuyên, cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá không có khả năng cho trái… để vườn luôn thông thoáng.
+ Đối với những trái có quá nhiều rệp đeo bám có thể mạnh dạn cắt bỏ rồi đem tiêu hủy để hạn chế sự lây lan của chúng. Chăm sóc chu đáo để cây sinh trưởng và phát triển tốt, có sức chống đỡ với rệp.
+ Quần thể rệp sáp trong tự nhiên được cân bằng bởi nấm kí sinh và một số loài côn trùng ăn thịt (thiên địch). Tuy nhiên, tác động của nấm kí sinh và côn trùng còn phụ thuộc rất nhiều vào số lượng cá thể thiên địch hay mật độ quần thể nấm ký sinh cũng như điều kiện để nấm và côn trùng phát triển. Trong điều kiện thực tế, để hạn chế thiệt hại do rệp sáp gây ra, biện pháp hoá học là vô cùng cần thiết.
+ Để hạn chế sự lây lan của rệp từ trái này sang trái khác, từ cây này sang cây khác, thì cùng với việc xịt thuốc diệt rệp các bạn cũng cần lưu ý diệt kiến (là những loài sống cộng sinh với rệp để hạn chế việc kiến tha rệp di chuyển) bằng cách thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến. Khi xịt thuốc trừ rệp nên xịt cả thân cành để trừ kiến, nếu thấy xung quanh gốc có nhiều kiến có thể dùng thuốc Ledan 95SP, Abagent 500WP, Basudin rải xung quanh gốc để tiêu diệt.+ Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là giai đoạn cây đang có trái non trở đi. Khi phát hiện có nhiều rệp trên trái các bạn có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Lanro 500EC, Kimcis 500EC, Google 30WP; Applaud 10WP; Suprathion 40EC; Dầu khoáng 98,8EC; Mospilan…