3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam chứng kiến tỉ lệ tăng trưởng ấn tượng về Xuất khẩu Nông – Lâm – Thủy sản tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 15,72 tỷ USD), khi tình hình thương mại thế giới đang có những biến động lớn…
Tháng 3/2025, kim ngạch xuất khẩu Nông – Lâm – Thủy sản của Việt Nam đạt 6,14 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch Quý I/2025 của cả nước là 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái (Trước đó, kim ngạch xuất khẩu Nông – Lâm – Thủy sản của nước ta đạt 5,08 tỷ USD trong tháng 1 và đạt 4,4 tỷ USD trong tháng 2). Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%. (Theo Bộ NN&MT)
GIÁ HÀNG LOẠT MẶT HÀNG NÔNG SẢN TĂNG ĐÁNG KỂ
Cũng theo Bộ NN&MT, trong quý 1/2025, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu Nông – Lâm – Thủy sản sang các quốc gia Châu Á (42%), tiếp theo là châu Mỹ (22,5%) và châu Âu (16,6%). Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường riêng lẻ lớn nhất (20,2%), kế đến là Trung Quốc (17,3%) và Nhật Bản (7,7%).
So với quý 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý đầu năm 2025 giảm 12,9% về lượng (509,5 nghìn tấn) nhưng tăng tới 49,5% về giá trị (2,88 tỷ USD), với giá xuất khẩu bình quân đạt 5.656 USD/tấn, cao hơn 71,7%. Đức (16,2%), Italia (9,9%) và Nhật Bản (7,4%) là ba thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam hàng đầu (Giá trị xuất khẩu sang cũng tăng lần lượt là 79,3%, 31,9% và 56,1%), nhưng Ba Lan mới là thị trường có mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu cà phê mạnh nhất (gấp 3,1 lần), trong khi Indonesia là thị trường duy nhất có sự sụt giảm (37,5%).
Tương tự cà phê, xuất khẩu hạt tiêu trong quý 1 cũng có sự tăng trưởng mạnh về giá trị (37,3%, đạt 323,6 triệu USD) dù khối lượng giảm 16,7% (47,3 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh 64,9%, đạt 6.845,4 USD/tấn. Hoa Kỳ, Đức và Ấn Độ tiếp tục là ba thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm lần lượt 24,4%, 10,4% và 6,7% thị phần.
Việt Nam cũng đã xuất khẩu 121,4 nghìn tấn hạt điều (giảm 19,3%) trong 3 tháng đầu năm 2025 thu về 841,1 triệu USD (tăng 4,3%) nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 29,1% (6.929,2 USD/tấn). Giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu sang Hà Lan tăng mạnh.
THỊ TRƯỜNG CÂY LƯƠNG THỰC – RAU MÀU LẠI ĐỐI LẬP RÕ RỆT TRONG QUÝ I/2025
Do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại và một số quốc gia tự túc được lương thực nên mặc dù khối lượng xuất khẩu gạo tăng nhẹ 0,6% (2,2 triệu tấn), giá trị lại giảm tới 19,7% (1,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh 20,1% (522 USD/tấn). Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm 42,1% thị phần), dù giá trị xuất khẩu sang đây giảm 15,7%. Trong khi đó, Bờ Biển Ngà (16,3%) và Ghana (10,2%) ghi nhận mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu gạo mạnh mẽ, lần lượt gấp 10 và 3,3 lần.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong quý 1/2025 đạt 1,14 tỷ USD (giảm 11,3%). Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính (44,5%), theo sau là Hoa Kỳ (9,6%) và Hàn Quốc (6%). Giá trị xuất khẩu rau quả trong quý đầu năm nay sang Trung Quốc giảm mạnh nhất (38,9%), trong khi Hoa Kỳ tăng trưởng ấn tượng (65,5%), Hàn Quốc tăng nhẹ (0,1%), và Anh dẫn đầu về mức tăng (77,8%).
Việt Nam cũng xuất khẩu 1,2 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 29,7%) nhưng chỉ thu về 379,7 triệu USD (giảm 11,6%) do giá xuất khẩu bình quân giảm 31,9% (310,2 USD/tấn). Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính.
Hiện tại, thị trường nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ chịu tác động đáng kể khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế mới nhất. Cụ thể, trước đó Hoa Kỳ dự định áp mức thuế đối ứng 46% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9 tháng 4 năm 2025 và đã được hoãn lại thêm 90 ngày sau nhiều nỗ lực đàm phán của hai bên. Thuế suất cao sẽ làm tăng giá thành nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, khiến chúng kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm từ các quốc gia khác không bị áp thuế hoặc chịu mức thuế thấp hơn, làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này. Điều này trực tiếp làm giảm kim ngạch xuất khẩu và ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp và thu nhập của người nông dân. Xuất khẩu khó khăn có thể dẫn đến tồn kho nông sản trong nước, áp lực lên thị trường nội địa và có thể làm giảm giá nông sản. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những động thái mạnh mẽ để đàm phán với Hoa Kỳ, đề xuất miễn trừ thuế cho một số nhóm hàng nông thủy sản không cạnh tranh trực tiếp và giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để hài hòa cán cân thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh việc tìm kiếm và mở rộng thị trường thay thế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc khi nước này cũng phải chịu mức thuế đối ứng cực cao và đang đẩy mạnh nhập khẩu các hàng nông sản chất lượng cao từ Việt Nam.