Tuyến trùng (Nematodes) là mối nguy hại tiềm ẩn tuy cũ nhưng mới lạ với nhiều nông dân, chúng gây hại đến sự phát triển của cây trồng. Do có kích thước siêu nhỏ nên tuyến trùng không thể quan sát được bằng mắt thường nhưng tác hại mà chúng gây ra lại vô cùng lớn, chúng có thể sinh sôi nảy nở với số lượng lớn trong đất, gây hại cho rễ cây và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến năng suất cây trồng.
1. Tuyến trùng gây hại cây trồng – mối nguy hại tiềm ẩn
Mặc dù kích thước siêu nhỏ nhưng mật số tuyến trùng trong đất lại rất nhiều, ước tính mật số tuyến trùng có thể lên đến hàng nghìn con/100g đất, chúng tấn công và làm suy yếu hệ thống rễ của cây, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như cây còi cọc kém phát triển, vàng lá, giảm năng suất, tốn chi phí phân bón và nguy hiểm hơn khi tuyến trùng là trung gian cho các loại nấm bệnh khác xâm nhập, gây ra nhiều bệnh hại phức tạp thậm chí gây chết cây.
2. Tuyến trùng là gì?
Tuyến trùng (Nematodes) thuộc ngành Giun tròn và có nhiều bộ khác nhau, là những vi sinh vật có kích thước siêu nhỏ chỉ quan sát được dưới kính hiển vi, không xương sống và có cơ thể dài rất giống với Giun đất, với tuyến trùng thì nhiều hình dạng khác nhau như hình quả lê, hình quả chanh, hình quả bầu, hình quả bí xanh…
3. Vòng đời của tuyến trùng:
Tuyến trùng thường trải qua 6 giai đoạn, gồm: Trứng – Ấu trùng tuổi 1, 2, 3, 4 – Trưởng thành.
Tuy nhiên, thời gian hoàn thành mỗi giai đoạn và vòng đời có thể khác nhau rất nhiều giữa các loài tuyến trùng, tùy thuộc vào điều kiện môi trường và cây ký chủ, có vài loài thì Ấu trùng tuổi 1 nằm trong trứng và khi nỡ ra đã thành tuổi 2.
- Giai đoạn Trứng: Thường có hình bầu dục hoặc hình tròn, được bao bọc bởi một lớp vỏ cứng để bảo vệ phôi bên trong. Thường nằm ngoài đất hoặc trong mô thực vật. Các nhóm tuyến trùng nội ký sinh, con cái có thể đẻ tiết ra túi Gelatin chứa nhiều trứng bên trong (hàng trăm hoặc hàng nghìn trứng). Trứng tuyến trùng có giai đoạn nghỉ từ 1 – 2 năm nếu gặp điều kiện ngoại cảnh bất lợi, ở một số loài tuyến trùng có trứng có thể nở tự do trong nước khi gặp điều kiện thích hợp.
- Giai đoạn Ấu trùng: Ấu trùng thường có 4 giai đoạn, giai đoạn sau có kích thước lớn hơn giai đoạn trước. Ở giai đoạn thứ 2 (Tuổi 2) thì tuyến trùng gây hại nhiều nhất.
- Giai đoạn Trưởng thành: Lúc này tuyến trùng đã có khả năng sinh sản.
4. Hình thức sinh sản:
Tuyến trùng ký sinh thực vật thường có hai hình thức sinh sản chính:
- Sinh sản đơn tính: Cá thể tuyến trùng tự nhân bản mà không cần sự giao phối.
- Sinh sản lưỡng tính: Cả tuyến trùng đực và cái đều tham gia vào quá trình sinh sản
5. Phân loại:
Do có nhiều loài và có thể sống trên nhiều môi trường ngoại cảnh khác nhau mà tuyến trùng được phân loại theo nhiều hình thức khác nhau. Riêng với ngành nông nghiệp người ta thường phân loại tuyến trùng thành 2 nhóm:
- Tuyến trùng có lợi: Đa phần là các loài tuyến trùng không có kim chích hút, chúng kí sinh trên côn trùng hoặc lấy dinh dưỡng từ nấm – vi khuẩn.
- Tuyến trùng có hại: Là các loài tuyến trùng có kim chích hút, chúng kí sinh thực vật, gây hại cho cây trồng, nguồn dinh dưỡng chủ yếu lấy từ thực vật.
5.1. Phân loại theo hình thức ký sinh:
a. Tuyến trùng nội ký sinh:
- Đặc điểm: Chúng sống bên trong mô thực vật, thường là rễ. Thường gọi là tuyến trùng nốt sần.
- Tác hại: Gây ra các triệu chứng như sần rễ, u cục, làm cho rễ cây bị biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng của cây.
- Ví dụ: Tuyến trùng sần rễ (Meloidogyne spp.)
b. Tuyến trùng ngoại ký sinh:
- Đặc điểm: Chúng sống bên ngoài môi trường đất và nước, khi cần thiết sẽ sử dụng kim hút đâm vào rễ nhưng không chui vào bên trong. Thường gọi là tuyến trùng gây thối nhũn.
- Tác hại: Hút dịch tế bào từ bề mặt rễ, gây ra các triệu chứng như vàng lá, rụng lá, cây sinh trưởng kém.
- Ví dụ: Tuyến trùng Tylenchus spp.
c. Tuyến trùng bán nội ký sinh:
- Đặc điểm: Chúng chui một phần cơ thể vào trong rễ nhưng phần còn lại vẫn ở ngoài môi trường đất.
- Tác hại: Gây ra các triệu chứng tương tự như tuyến trùng nội ký sinh và ngoại ký sinh.
- Ví dụ: Tuyến trùng Pratylenchus spp.
5.2. Phân loại theo hình thái phần miệng và nguồn thức ăn
- Bacterophagous – Ăn vi khuẩn: Nhóm tuyến trùng này có phần miệng đặc biệt thích nghi để bắt và tiêu thụ vi khuẩn. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy chất hữu cơ trong đất.
- Fungiphagous – Ăn nấm: Tuyến trùng thuộc nhóm này chuyên ăn nấm. Chúng có thể giúp kiểm soát các bệnh do nấm gây ra trên cây trồng.
- Herviphagous – Ăn thực vật: Đây là nhóm tuyến trùng gây hại chính cho cây trồng. Chúng có phần miệng dạng kim tiêm, giúp chúng đâm xuyên vào tế bào thực vật để hút chất dinh dưỡng.
- Predator – Ăn đạm động vật: Tuyến trùng ăn thịt có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát số lượng các loài sâu bệnh khác.
- Omiphagous – Ăn tạp, có thể biến đổi kiểu dinh dưỡng: Nhóm tuyến trùng này có khả năng thay đổi nguồn thức ăn tùy thuộc vào điều kiện môi trường.
6. Điều kiện phát sinh và lan truyền:
Trong đất, tuyến trùng thường hoạt động rất hạn chế, phụ thuộc nhiều vào cơ giới đất.
Trong mô thực vật, các loài tuyến trùng nội ký sinh thường di chuyển nhanh hơn.
Tuyến trùng được lan truyền bằng nhiều cách:
- Do di chuyển đất (Đào xới,…) hoặc thực vật đã bị nhiễm tuyến trùng.
- Do máy móc, công cụ nông nghiệp mang tuyến trùng theo đất.
- Do dòng chảy của nước,…
7. Đặc điểm gây hại của tuyến trùng ký sinh thực vật:
Tuyến trùng ký sinh thực vật gồm cả các loài ngoại ký sinh nội ký sinh, chúng thường có kim hút, tiết ra các men tiêu hóa vào trong các tế bào thực vật và làm tan thành tế bào, tạo điều kiện để dễ dàng hút các chất dinh dưỡng cần thiết từ cây chủ vào cơ thể. Các men tiêu hóa này có thể tiêu hóa một phần tế bào chất trước khi chúng vào cơ thể tuyến trùng, dẫn tới hình thành các điểm chuyên hóa tại vùng tuyến trùng ký sinh.
Bộ phận gây hại chính: Rễ cây. Một số nhóm khác gây hại ở cả lá, thân, cành,…
- Meloidogyne spp. gây hại phần đỉnh rễ non.
- Pratylenchus spp. gây hại ở các mô ở xa đỉnh rễ hơn.
- Helicotylenchus dihystera gây hại ở các mô già.
Bao gồm các loài nội ký sinh tại chỗ và một vài loài ngoại ký sinh sử dụng enzyme hòa tan các thành mô, tế bào ở các mô bên cạnh, và tạo ra các tế bào khổng lồ nhiều nhân. Chúng thường gây nên vết thương dẫn đến sự hoại tử mô thực vật xung quanh điểm dinh dưỡng. Ngoài ra, tuyến trùng còn là trung gian mở đường cho nấm bệnh và vi khuẩn xâm nhập vào cây trồng, một số loài có khả năng mang truyền virus gây bệnh cho cây.
* Triệu chứng gây hại của tuyến trùng:
- Triệu chứng điển hình của cây trồng khi bị tuyến trùng gây hại là rễ bị u sưng.
Hình 15. Triệu chứng sưng rễ do tuyến trùng gây ra trên: A) Bầu; B) Cà Tím; C) Dưa Leo; D) Ớt
Hình 16. Triệu chứng bệnh sưng rễ do tuyến trùng Meloidogyne graminicola trên cây Lúa
8. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ gây hại của tuyến trùng
- Mật độ tuyến trùng: Mật độ tuyến trùng càng cao, mức độ gây hại càng lớn.
- Giống cây trồng: Mỗi giống cây trồng có mức độ kháng bệnh khác nhau.
- Điều kiện môi trường: Nhiệt độ, độ ẩm cao thuận lợi cho tuyến trùng phát triển.
9. Biện Pháp Phòng Trị Tuyến Trùng
9.1. Biện pháp ngăn ngừa
- Thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời.
- Kiểm tra nguồn đất, đảm bảo không bị nhiễm tuyến trùng.
- Cần đánh rãnh thoát nước trong vườn.
- Chọn lọc giống kỹ hạn chế lây lan nhiễm tuyến trùng từ giống cây.
9.2. Biện pháp canh tác
- Tăng cường bổ sung phân hữu cơ đã được ủ hoai mục bằng nấm Trichoderma.
- Trồng các loại cây có tính kháng tuyến trùng, có thể gây ngộ độc và xua đuổi tuyến trùng (cây họ đậu, cây cúc vạn thọ…).
- Để cỏ trong vườn nhằm phân tán lực lượng của tuyến trùng, hạn chế việc chúng tấn công vào cây trồng “mục tiêu”.
9.3. Biện pháp sinh học
- Nấm Paecilomyces lilacinus có khả năng sản xuất ra 2 enzym là chitinase và protease để phân hủy lớp vỏ và vỏ trứng của tuyến trùng.
- Tổ hợp các chủng nấm đối kháng, nấm săn tuyến trùng (nấm xanh, nấm tím,…) như Trichoderma spp, Streptomyces spp, Chitosan, Paecilomyces spp + Verticillium spp + Trichoderma spp + Saccharomyces spp,… với mật độ cao khi tiếp xúc với môi trường, gặp điều kiện thích hợp sẽ hoạt động, nấm đối kháng sẽ giăng bẫy săn bắt tuyến trùng, sử dụng tuyến trùng làm thức ăn, ký sinh lên trứng, tiêu diệt hoàn toàn tuyến trùng gây hại.
- Một số loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thảo mộc, hóa sinh cũng có thể giúp phòng trừ tuyến trùng hiệu quả như: Abamectin, Abamectin + Matrine, Abamectin + Emamectin benzoate, Azadirachtin,…
9.4. Biện pháp hóa học
- Xử lý đất bằng thuốc hóa học có hoạt chất diệt tuyến trùng và nấm bệnh trước khi canh tác.
- Propamocarb.HCl, Carbosulfan, Carbaryl, Clinoptilolite, Cartap hydrochloride…: Đây là các hoạt chất có khả năng diệt trừ nhiều loại tuyến trùng, nhưng cũng có thể gây độc cho các sinh vật có ích trong đất như giun đất.
- Hiện nay, ngoài việc xử lý tuyến trùng thì nhiều nhà vườn còn quan tâm đến vấn đề tồn dư hóa học trong đất. Nổi bật trong số các hoạt chất Fosthiazate có thể phòng trừ tuyến trùng hiệu quả và ít tồn dư độc hại trong đất. Đây là một hoạt chất trong nhóm Lân hữu cơ, có tác động ức chế men Acetylcholinesterase, vừa có tác động tiêu diệt, vừa làm tuyến trùng bất hoạt nên hiệu lực kéo dài, thuốc phòng trừ hiệu quả nhiều loại tuyến trùng gây sưng rễ, thối rễ, tuyến trùng nang, tuyến trùng đục rễ, tuyến trùng xoắn, tuyến trùng kim, tuyến trùng trắng đầu lá lúa và tuyến trùng tự do trong đất, không gây ô nhiễm nước ngầm, không tích lũy trong môi trường, ít độc cho sinh vật có ích như giun đất, cá, ít bị ảnh hưởng bởi tính chất đất, độ pH, độ ẩm và nhiệt độ đất,…
- Khi cây có biểu hiện bị nhiễm tuyến trùng nặng cần phun các thuốc diệt tuyến trùng và kết hợp hoạt chất sinh học giúp đảm bảo an toàn cho cây trồng và môi trường đất.