Bọ trĩ là loài côn trùng nhỏ đa thực, có phổ ký chủ rất rộng, gây hại trên nhiều loại cây trồng như cây ăn quả (sầu riêng, xoài, cam, quýt…), cây công nghiệp (cà phê, tiêu, điều…), rau màu (hành, cà chua, ớt, cà tím…) và đặc biệt là trên cây lương thực như lúa. Thường gây hại trên lá non, đọt non hay cánh hoa. Cây bị bọ trĩ gây hại sinh trưởng kém dẫn, nếu nhẹ năng suất giảm hoặc nặng thì thất thu. Đồng thời, vết chích của bọ trĩ tạo ra vết thương giúp cho vi khuẩn và nấm bệnh xâm nhập gây bệnh và còn là tác nhân truyền các bệnh do virus gây ra.
1. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI VÀ SINH HỌC CỦA BỌ TRĨ
Họ: Thripidae
Bộ: Thysanoptera (Bộ cánh tơ)
Trên thế giới có hơn 6000 loài bọ trĩ với nhiều màu sắc khác nhau (trắng, vàng, nâu sẫm hoặc đen), dựa trên đầu và bụng mà bọ trĩ được chia thành hai bộ phận lớn. Mỗi bộ phận lại được chia thành hàng chục chi và mỗi chi có hàng trăm loài.
Hình thái: Râu đầu có 6-9 đốt. Mắt kép phát triển lồi lên, có 2-3 mắt đơn (Loài có cánh) hoặc không có (Loài không cánh). Miệng dũa hút. Hàm trên thoái hóa không cân xứng, còn lại đôi râu hàm dưới và đôi râu môi dưới. Ngực trước phát triển. Bàn chân có 1-2 đốt, mỗi đốt ở phía cuối có bọt bóng lồi. Cánh hẹp dài mọc đầy lông dài, mạch cánh thoái hóa. Bụng có 10-11 đốt. Có 1 ống để trứng hoặc ở cuối bụng kéo dài thành ống để trứng. Không có lông đuôi.
Bọ trĩ có kích thước nhỏ (dài chưa đến 1/20 inch) với cán hẹp dài và có tua rua. Cơ thể có dạng hình trụ, đầu dẹp hình miệng nón. Vòng đời của bọ trĩ kéo dài khoảng 17 – 20 ngày và có khoảng 20 thế hệ/năm. Trải qua 5 giai đoạn: Trứng – Tiền ấu trùng – Ấu trùng – Tiền nhộng và Nhộng – Trưởng thành.
Vòng đời của bọ trĩ
- Trứng rất nhỏ có hình bầu dục, dài từ 0.20 – 0.25 mm, khi mới đẻ có màu trong suốt hoặc trắng nhạt, lúc sắp nở có màu vàng nhạt, trứng sẽ nở sau 2 – 4 ngày. Bọ cái đẻ trứng trong mô của các bộ phận non của cây, trung bình con cái đẻ được 40 – 50 trứng/lứa, trung bình 8 – 10 lứa/năm và có thể đẻ từ 150 – 300 trứng trong suốt cuộc đời của chúng tùy vào điều kiện.
Vị trí đẻ trứng của bọ trĩ (Trái) dọc theo gân lá, (Giữa) trên mô lá, (Phải) trứng sắp nở
(Nguồn: Koppert biological systems)
- Giai đoạn tiền ấu trùng (Giai đoạn sâu non mới nở) thân có màu trong suốt, cơ thể hình ống, râu dài không quá ½ cơ thể, đầu nhỏ hơn ngực. Lúc này ấu trùng bắt đầu chích hút ở lá, hoa và quả của cây chủ, kéo dài 1 – 2 ngày. Giai đoạn ấu trùng (con non) sau lần lột xác thứ nhất có hình dạng giống như con trưởng thành nhưng màu nhạt hơn và không có cánh. Cuối giai đoạn này, con non ngừng ăn 1 – 2 ngày sau đó xâm nhập vào trong đất hoặc lớp lá để hóa thành nhộng (nhộng giả).
Ấu trùng của bọ trĩ (a) tuổi 2, (b) tuổi 1
- Giai đoạn tiền nhộng và nhộng giả là giai đoạn mà bọ trĩ không ăn, màu vàng sẫm và không di chuyển. Tiền nhộng kéo dài 2- 4 và nhộng kéo dài 1- 2 ngày. Đa phần bọ trĩ sẽ rơi khỏi cây và hóa nhộng trong đất.
Giai đoạn nhộng của bọ trĩ: (Trái) nhộng giả, (Phải) tiền nhộng
(Nguồn: http://www.thrips-id.com/en/photo-video/macros)
- Giai đoạn trưởng thành, nhộng sau 1 – 3 ngày sẽ nở thành con trưởng thành có màu nâu sáng, 2 mắt màu đen, có 3 đôi chân, 2 đôi cánh dài và hẹp với nhiều lông tơ nhưng bay yếu ớt. Sau đó có màu đen bóng, rất nhanh nhẹn, thường bò cong bụng về phía lưng tại trên mặt lá. Râu đầu hình chuỗi hạt có 7 đốt, đốt gốc to nhất. Đầu hơi giống hình chữ nhật, mắt kép bé. Con đực thường có kích thước và phần bụng nhỏ và hẹp hơn con cái, kích thước trung bình của con trưởng thành khoảng 0,8 – 1 mm.
Thành trùng bọ trĩ, con cái (trái), con đực (phải)
(Nguồn: AJM Loomans)
Thrips parvispinus con cái (a), con đực (b)
2. ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI CỦA BỌ TRĨ
– Bọ trĩ là loài biến thái không hoàn toàn, cả con non và con trưởng thành có hình dạng và tập quán sinh sống tương tự nhau.
– Cả con non và con trưởng thành đều chích hút nhựa lá, chồi, thân cây, quả và đặc biệt là ở hoa. Con non thường gây hại nhiều hơn con trưởng thành do có số lượng lớn hơn và tập trung tại một vị trí nhiều hơn.
– Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách cắn và chích hút lá, đọt non, chúng còn gây hại gián tiếp với vai trò là vector truyền một số loại virus gây bệnh cho cây trồng
3. ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN VÀ LÂY LAN
– Bọ trĩ xuất hiện và gây hại nặng nhất trong điều kiện thời tiết khô nóng. Trời mưa lớn là bất lợi cho bọ trĩ, số lượng giảm rõ rệt, nhất là giai đoạn bọ trĩ lớn. Ở miền Nam, bọ trĩ sẽ thường xuất hiện và gây hại vào các tháng nắng nóng (Từ tháng 12 đến tháng 05 của năm sau). Thời điểm này trùng hợp vào giai đoạn xoài đang tập trung ra hoa (tháng 12 – 1) hay đang ra chồi, lá, trái non (tháng 1 – 3), tức là các giai đoạn có ảnh hưởng quan trọng đến năng suất và phẩm chất.
– Bọ trĩ hoạt động cả ngày lẫn đêm, thường lẫn trốn vào các đọt non. Hoạt động mạnh nhất khi trời mát.
– Trên lúa: Bọ trĩ gây hại ngay từ khi lúa có lá, mật độ tăng dần từ khi lúa hồi xanh đến đẻ nhánh và sẽ giảm dần tới lúc lúa trỗ. Gây hại nặng ở ruộng bị thiếu nước, làm cho đầu lá lúa quăn lại.– Trên cây ăn trái, cây công nghiệp: Bọ trĩ xuất hiện khi cây ra đọt non và khi cây đang có hoa.
4. TÁC HẠI CỦA BỌ TRĨ
Cây trồng khi bị bọ trĩ tấn công sẽ có các dấu hiệu sau đây:
– Bọ trĩ gây hại trên lá, hoa, chồi, trái và thân làm hình thành các mảng bạc, sau đó chuyển dần sang màu nâu làm rụng lá và giảm quang hợp 🡪 Giảm khả năng tăng trưởng của cây.
- Trên lá, làm lá xuất hiện chấm nhỏ theo hàng dọc, lá non bị quăn lại, trên các lá già có các quần đen, loang lỗ, bầm tím., không hồi phục lại như ban đầu.
- Trên chồi, làm chồi không ra lá.
- Trên bông, làm bông héo, khô, rồi rụng hàng loạt.
- Trên trái, làm da trái gần cuống có màu xám đậm (da cám), trái biến dạng, sần sùi, giảm giá trị thương phẩm.
Triệu chứng bọ trĩ gây hại trên cây lúa
Triệu chứng bọ trĩ gây hại trên cây xoài
Triệu chứng bọ trĩ gây hại trên cây sầu riêng
Triệu chứng bọ trĩ gây hại trên cây điều
– Là loài trung gian truyền bệnh, giúp nấm mốc và vi khuẩn phát triển.
Trên lúa: Bọ trĩ gây hại ở khắp các vùng trồng lúa, lúa sạ thường bị hại nặng hơn. Cả con trưởng thành và con non đều hút nhựa lá và bông lúa làm cây lúa sinh trưởng còi cọc, bông lúa không được thụ phấn. Lá lúa non có nhiều điểm trắng nhỏ, nặng thì chóp lá khô vàng và cuốn quăn lại, từ từ khô cả lá. Bọ trĩ thường xuất hiện ngay sau khi lúa mới cấy được 1-2 tuần.
5. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
a. Biện pháp cơ học:
- Trồng cây với mật độ không quá dày, cắt tỉa cành khô/héo giữ cho vườn thông thoáng.
- Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra kỹ lá, thân, hoa, cành của cây.
- Tiêu hủy mẫu bệnh sau khi đã xử lý cây bị nhiễm bằng cách đốt.
- Cần khử trùng, vệ sinh dụng cụ làm vườn trước khi sử dụng.
- Đặt bẫy côn trùng trong vườn.
** Ưu điểm: Dễ thực hiện, ít tốn kém, nguyên vật liệu đơn giản dễ tìm.
** Nhược điểm: Không thể kiểm soát triệt để và tốn nhiều thời gian thực hiện.
b. Biện pháp hóa học:
- Nên phòng bọ trĩ ngay từ giai đoạn cây còn nhỏ, mật số ít (từ 3 – 5 con/lá) và trước những thời điểm bọ trĩ dễ bùng phát (lúc bông chuẩn bị nở và khi cây ra đọt tập trung).
- Bọ trĩ không hoạt động nhiều khi trời nắng gắt, do đó nên phun vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Phun ướt đẫm tán lá, mặt dưới lá, lá khuất trong bóng râm.
- Sử dụng luân phiên nhiều thuốc có cơ chế tác động khác nhau, hạn chế hình thành tính kháng của bọ trĩ như: Lanro 500EC, Kimbas 500EC, Khongray 54WP, Google 30WP, Abagent 500WP, Radiant 60SC, Pesieu 500SC, Danobull 50WG, Aphophis 5EC, Kimcis 20EC, Dầu khoáng SK Enspray 99EC, Selecron 50EC, Actara 25WP, … để tăng hiệu quả có thể sử dụng thêm các loại thuốc bám dính.
** Ưu điểm: Nhanh chóng, hiệu quả, dễ dàng thực hiện trên diện rộng.
** Nhược điểm: Chi phí cao, nếu sử dụng không đúng cách và làm dụng sẽ dẫn đến bọ trĩ kháng thuốc, gây ô nhiễm môi trường và hóa chất trong thuốc trừ sâu sẽ tồn dư lại trong sản phẩm.
c. Biện pháp sinh học:
Có thể pha trộn tinh dầu tràm, quế, ớt và nước rửa chén để diệt bọ trĩ. Cách này an toàn, ít tốn kém nhưng lại tốn nhiều công sức và thời gian. Sử dụng các loài thiên địch để kiểm soát bọ trĩ như: Nhện bắt mồi – Amblydromalus limonicus, Bọ xít bắt mồi – Orius laevigatus, Bọ xít đen Orius insidiosus (Say),…. Để thu hút các loài này cần trồng thêm các loại hoa như cúc, vạn thọ, các loại rau gia vị như húng quế, bạc hà, thì là…
Hiện nay, người ta đã nghiên cứu ra rằng hoạt chất Azadirachtin được chiết xuất từ cây neem Ấn Độ có khả năng đẩy lùi và tiêu diệt bọ trĩ và các loài côn trùng gây hại khác bằng cách xua đuổi và làm côn trùng ngán ăn. Hoạt chất này can thiệp vào hệ thống hormone làm côn trùng dị tật khi trưởng thành và ngăn cản sự đẻ trứng. Chiết xuất của tinh dầu neem có thể bị phân hủy dưới ánh mặt trời gay gắt hoặc trời mưa lớn nên chú ý phun tinh dầu neem vào buổi trời mát, không mưa. Một số sản phẩm có chứa tinh dầu neem uy tín hiện nay như: Agiaza 4.5EC, …
Ưu điểm khi kiểm soát bọ trĩ gây hại bằng phương pháp sinh học là có thể duy trì hiệu quả lâu dài, an toàn cho con người và môi trường, tiết kiệm chi phí, dễ dàng thực hiện, sản phẩm nông nghiệp không bị tồn đọng hóa chất. Tuy nhiên nhược điểm của biện pháp này đòi hỏi sự kiên trì của nhà vườn, không thể mang lại hiệu quả nhanh chóng tức thời như biện pháp hóa học.
Biện pháp nào cũng có những ưu và nhược điểm riêng, tùy theo tình trạng của vườn mà áp dụng sao cho phù hợp. Ví dụ như khi vườn bị nhiễm nặng ta hãy sử dụng biện pháp cơ học kết hợp hóa học để ngăn chặn kịp thời. Khi vườn đã ổn định thì duy trì biện pháp sinh học lâu dài.